Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Ở Việt Nam trước đây, và chắc bây giờ vẫn còn. Đã có những người làm những nghề gọi là nghề “thầy cúng” “thầy pháp” và “thầy bùa”. Các thầy này chắc chắn không phải là “Thầy Chùa”, tức nhà tu hành theo Phật Giáo, chuyên tụng niệm, gõ mõ, cầu kinh trong các đình chùa của Phật Giáo. Thầy Chùa cũng có đến tư gia để tụng niệm trong dịp tang lễ của Phật tử nhưng không phải để lấy tiền công như các thầy cúng, thầy pháp, thầy bùa mà chủ yếu là để cầu siêu cho người quá cố mà thôi. ************************************* Thầy cúng, thầy pháp, thầy bùa, ngược lại, không phải là tu sĩ của tôn giáo nào. Nên các thầy này không có nhiệm vụ “giảng đạo hay dạy đạo” cho ai cả. Các Thầy này đều có gia đình, vợ con và làm nghề “cúng vái” hay “bùa phép” để kiếm sống như mọi ngành ngề khác trong xã hội. Nghĩa là khi ai có nhu cầu khấn xin một việc gì, hay trong dịp tang chế hoặc giỗ chạp hoặc tai biến nào đó, thì người ta mời thầy cúng đến để cử hành việc cúng kiếng. Đặc biệt, những người mê tín, tin có “quỷ thần hay tà ma” ám hại , gây bệnh tật cho ai thì người ta đi mời thầy pháp, thầy bùa đến để chữa trị hay “giải tà”. Bằng chứng là trong cuốn tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh có kể việc bà Phán Lợi đã đem đứa cháu nội bị bệnh trao cho thầy pháp cứu chữa. Ông này dùng roi dâu để đánh đuổi “ma tà” ra khỏi đứa bé, khiến nó bị chết vì roi và nước thải thầy pháp cho uống, theo lời buộc tội của cô Loan, mẹ đứa bé. Đây là một tệ tục mê tín của nhiều người ở Việt Nam xưa kia và chắc còn tồn tại đến ngày nay ở nhiều nơi. Trong Đạo Công Giáo của Chúa Kitô, Linh mục cũng được gọi là Thầy Cả, vì được chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm hay “Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” ( Dt 5:6). Linh mục –hay Thầy Cả - được chia sẻ một phần Chức Linh Mục này cùng với Giám Mục là người được chia sẻ trọn vẹn Chức Linh Mục đó của Chúa Kitô. “Linh mục, mặc dủ không có quyền thượng tế và phải tùy thuộc Giám mục khi thi hành quyền bính, cũng hiệp nhất với Giám mục trong tước vị tư tế. Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm vỉnh viễn (x. Dt 5, 1-10; 7, 24; 9, 11-28) để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước.” (Lumen Gentium, no.28) Đó là tất cả vai trò, chức năng và nhiệm vụ hay sứ vụ của Linh mục tức Thầy Cả theo tín lý và giáo lý của Giáo Hội. Thi hành chức năng (competence) và Sứ vụ ( Ministry) ấy, Thầy Cả phải hoàn toàn khác biệt “thầy cúng” “thầy pháp” và “thầy bùa” về mọi mặt thì mới xứng đáng là Alter Christus tức là Đức Kitô thứ hai qua Thánh Chức Linh Mục. Có như vậy thì Thầy Cả mới thực sự giúp cho nhiều người nhận biết và tin yêu Chúa Kitô mà mình là bí tích, là hình ảnh đích thực của Chúa trước mặt mọi người , đặc biệt là những tín hữu được trao phó cho mình coi sóc và phục vụ. Thầy Cả chu toàn sứ vụ ấy qua các chức năng (competence) và nhiệm vụ sau đây: · Chức năng và Nhiệm vụ giảng dạy Đây là nhiệm vụ rất cao trọng và quan trọng của Thầy Cả, Linh mục của Chúa Kitô trong Giáo Hội ngày nay. Mọi Thầy Cả đều có bổn phận và trách nhiệm phải giảng dạy đúng những giáo thuyết hay giáo lý của Chúa Kitô mà thôi. Không ai được phép dạy “giáo lý “do mình bịa đặt ra. Thí dụ, Chúa Kitô đã dạy “ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu rỗi. Ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16, 16). Chịu phép rửa là để được “tha tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân” theo giáo lý của Giáo Hội (x. SGLGHCG, số.1263). Như thế có nghĩa là Giáo Hội tin có tội nguyên tổ (original sin) do Adam và Eva đã phạm và di hại đến toàn thể con người sinh ra trên trần thế này. Vậy, không Thầy Cả nào được phép đưa ra giáo lý riêng của mình để hoài nghi hay phủ nhận “Tội Tổ Tông” vì cho là trái với tinh thần khoa học, tâm lý và bất công khi “bắt cam chịu việc quýt làm”. Nếu tin và giảng theo “giáo lý riêng” của Thầy Cả này thì toàn bộ nền thần học của Kitô Giáo về công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô sẽ xụp đổ hết, và cách riêng, bí tích rửa tội sẽ không có lý do tồn tại nữa, vì mục đích của Chúa Kitô khi xuống trần gian làm Con Người là để “hiến mạng sống của mình làm giá chuộc cho muôn dân” (Mt 20: 28). Ngài đã hơn một lần nói đến sự cần thiết phải chịu phép rửa để được cứu rỗi (x, Ga 3, 5, Mc 16, 16, Mt 28: 19). Vậy nếu không tin có sự “di truyền” của tội nguyên tổ thì cần gì phải rửa tội để được “tái sinh” trong sự sống mới hầu được cứu độ như Giáo Hội tin và dạy ? Mặt khác, Chúa Giêsu cũng không dạy và giáo lý của giáo Hội cũng chưa hề nói đến việc “rửa tội cho người chết qua trung gian của người sống”. Vậy mà một Thầy Cả kia đã quảng bá việc này công khai trên báo chí, gây hoang mang cho giáo dân. Nghiêm trọng hơn nữa là có Thầy Cả còn tin cả “thuyết luân hồi = reincarnation” nữa và chính tôi đã được Thầy Cả này giảng sơ qua cho nghe về “thuyết này” !! Dĩ nhiên tôi hoàn toàn không tin hay đồng ý với Thầy Cả này. Chưa hết, một Thầy Cả khác còn giảng một điều được coi là rối đạo (heretical) nhưng tôi không tiện nhắc lại ở đây. Sau nữa, một Thầy Cả có năng lực học vấn và danh vọng cao đã viết báo nói rằng: Chức Linh Mục chung (common priesthood) của Phép Rửa là cao trọng hơn hết, không có bí tích đặc biệt nào khác có thể so sánh hay thay thế được! Nếu vậy thì Chúa Giêsu đã làm một việc không cần thiết là lập Chức Linh Mục Thừa tác ministerial priesthood) và truyền cho các Tông Đồ “anh em hảy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:19; 1 Cor 11: 24-25). Nói khác đi, qua phép rửa, mọi tín hữu đều được “tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ.” (LG, số 31) nhưng: Chức Linh Mục chung hay thông thường này của Phép Rửa không cho phép ai “ làm việc này mà nhớ đến Thầy” tức là cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucha rist), trừ tư tế có chức linh mục thừa tác là Giám Mục và Linh Mục. Trên đây là tiêu biểu một số sự kiện cho thấy có những Thầy Cả đã không giảng dạy đúng giáo thuyết của Chúa Kitô mà dạy giáo thuyết của riêng mình, gây hoang mang cho giáo dân chẳng may được giao phó cho các Thầy coi sóc, dạy dỗ. · Chức năng tế lễ và thánh hoá: Với chức năng này, Thầy Cả nhân danh và thay mặt Chúa Kitô (in persona Christi) để dâng Hy tế hằng ngày trên bàn thờ. Đây phải là “nguồn mạch và chóp đỉnh” (summit) của đời sống Linh mục, của đời sống Kitô giáo cũng như của Giáo Hội. (x.LG. Số 11) Nên các Thầy Cả đều được khuyên phải đầu tư trọn vẹn tâm trí vào việc này để tế lễ với tất cả tâm hồn và niềm tin của mình hầu sinh ích cho chính mình và cho tín hữu hiệp thông. Cụ thể, khi cử hành Thánh Lễ và các bí tích, Thầy Cả không được cẩu thả, cốt làm cho xong việc đến nỗi giáo dân đã phải than phiền đại khái như: cha đó làm lễ và cho rước lễ như cái máy, chẳng có gì sốt sắng cả, nên ít người muốn tham dự lễ của cha.. Hoặc cha kia không chịu soạn bài giảng, nên nói lung tung, lăng nhăng không ích gì cho người nghe. Cha nọ làm lễ cho nhanh, không giảng để còn kịp giờ đi “Sô” (đồng tế ) ở chổ khác để lấy phong bì! Điều rất quan trọng phải nói ở đây là Thầy Cả không phải là thầy cúng, thầy bùa, thầy pháp, nên không thể làm những việc của các thầy này khi thi hành sứ vụ linh muc của mình (Priestly ministries). Cụ thể, liên quan đến việc cầu nguyện chữa lành, Giáo Hội rất khuyến khích việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần vì không có ơn Chúa Thánh Linh thì Giáo Hội không thể lớn lên và thánh thiện hơn như bây giờ được. Giáo Hội chỉ có hai bí tích chữa lành chính danh là bí tích hoà giải và bí tích xức dầu bệnh nhân (Anointing of the sick) mà thôi. Với bí tích hoà giải, hối nhân được chữa lành khỏi mọi thương tích do tội lỗi gây ra trong tâm hồn của họ. Nếu họ thành tâm sám hối chạy đến với Chúa Kitô trong bí tích này qua trung gian của một Thầy Cả, (dù bất xứng đến đâu theo tiêu chuẩn loài người) thì ai cũng được chữa lành khỏi mọi vết thương của tội lỗi và được an bình trở lại với Chúa và với tha nhân, một sự bình an mà không một quyền lực nào của con người hay tiền bạc có thể giúp mua được. Với bí tích sức dầu bệnh nhân, Giáo Hội trước hết muốn nhắc lại cho tín hữu lòng thương sót của Chúa Kitô xưa kia khi Người đã chữa lành cho biết bao bệnh nhân mắc các chứng nan y như phong cùi, mù què , câm điếc, kể cả trừ qủi và cho kẻ chết sống lại. Nhưng Chúa đã không chữa hết mọi người đau ốm, đui mù ... Và chính Chúa cũng không né tránh những đau khổ trong tâm hồn và trên thân xác, để “qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người trên thập giá, Chúa Kitô đã mang lại cho đau khổ một ý nghĩa mới. Từ nay đau khổ có thể làm cho chúng ta nên đồng hình với Ngài, kết hiệp chúng ta với cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Ngài.” (x. SGLGHCG. số 1505). Nói khác đi, xưa Chúa Giêsu có chữa lành cho nhiều bệnh nhân, nhưng mục đích chính của Ngài không phải đến để tiêu diệt đau khổ, bệnh tật, sự dữ , mà ngược lại, Chúa đã “mang lấy các tật nguyền, bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17) và đã dùng đau khổ, sự khó để “xoá tội trần gian.” (Ga 1:29) qua khổ nạn thập giá mà Ngài đã vui lòng chấp nhận để cứu cho con người khỏi chết và đau khổ đời đời. Do đó, dù không có gì là sai trái khi ta cầu xin Chúa cho khỏi bệnh tật, tai ương gặp phải trong cuộc sống này, nhưng phải sẵn lòng vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi tình huống. Thầy Cả phải là người hơn ai hết hiểu rõ ý nghĩa và giá trị cứu rỗi của đau khổ trong Chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, vì thế không nên đặt nặng vấn đề “chữa lành” cho thân xác mà coi nhẹ nhu cầu chữa lành, băng bó những vết thương trong tâm hồn do hậu quả của tội lỗi gây nên. Chữa lành về mặt này thì kết quả có thể kiểm nghiệm ngay được. Kinh nghiệm cá nhân của mọi người cho thấy là, dù tội lỗi có nặng nề đến đâu nhưng nếu thành tâm thống hối chạy đến với Chúa qua bí tích hoà giải, thì ai cũng cảm nghiệm được ơn chữa lành , bình an và niềm vui khó tả sau khi lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa qua tay một Thầy Cả. Bí tích sức dầu cũng vậy. Theo giáo lý thì “ ân sủng đầu tiên của bí tích này là ơn an ủi, bình an và can đảm để thắng vượt những khó khăn của tình trạng bệnh nặng hoặc của sự suy yếu tuổi già. Ân sủng này là là một hồng ân của Chúa Thánh Thần giúp cho ta tin tưởng và tin kính Thiên Chúa, thêm sức mạnh để ta chống lại những cám dỗ về tuyệt vọng và âu lo trước cái chết.Sự trợ lực này của Chúa, nhờ sức mạnh của Thần Khí Ngài, sẽ đưa bệnh nhân tới chỗ được chữa lành về phần hồn, nhưng cũng có thể về phần xác nữa, nếu đó là thánh ý Thiên Chúa..” (x. SGLGHCG, số 1520) Thi hành các tác vụ trên, Thầy Cả phải hết sức nghiêm chỉnh cử hành các bí tích ấy theo đúng mục đích và phương pháp hay nghi thức (ritual) của Giáo Hội. Cụ thể, khi sức dầu bệnh nhân cho người đau yếu nhiều hay ít, Thầy Cả phải cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên bệnh nhân, và sức dầu thánh (oil of the sick) trên trán và trên hai lòng bàn tay của bệnh nhân. Nghi thức cũng đòi hỏi Thầy Cả đặt tay nhẹ trên đầu, hay giơ tay chung trên nhiều bệnh nhân có mặt để xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên họ. Chỉ có vậy thôi. Tuyệt đối không có nghi thức nào đòi hỏi phải lấy tay ấn mạnh vào trán của người ta đang đứng ngất ngư, xô cho họ ngã ra để mù quáng cho đó là ơn của Chúa Thánh Thần. Đây là phương pháp của “thầy bùa”, “thầy pháp” chứ không phải nghi thức chữa lành bệnh nhân của Giáo Hội mà Thầy Cả được cử hành nhân danh Chúa Kitô. Vả lại, cầu xin ơn Thánh linh để được chữa lành về mặt nào? Khi có tội, nhất là tội trọng (mortal sin) thì người ta mất hết sự bình an nội tâm, mất an hoà với Chúa và với tha nhân. Vậy muốn lấy lại sự bình an, hạnh phúc nội tâm này, thì chỉ có bí tích hoà giải mới giúp chữa lành nội tâm và tìm lại bình an với Chúa và với người khác mà thôi. Cầu xin ơn Thánh Linh không thôi chỉ giúp nhận biết thêm tình trạng “bệnh hoạn nội thương” của mình chứ không giúp chữa lành được. Thánh Linh sẽ thúc dục và hướng dẫn tìm đến lòng thương xót tha thứ của Chúa qua bí tích hoà giải để được thực sự chữa lành. Cầu nguyện để được té ngã, nói lảm nhảm, ú ớ không thể chữa lành được bất cứ thương tật nào do tội lỗi gây ra trong tâm hồn của ai. Chắc chắn như vậy. Một lần nữa, tôi quả quyết việc một vài linh mục ở Mỹ và Canada đang đi rao món hàng “Thánh Linh chữa lành” để gây những cảm súc giả tạo (té ngã, nói lảm nhảm, không ai hiểu gì) cho một số tham dự viên, không phải là nghi thức sức dầu chữa lành của Giáo Hội Công Giáo. Đúng hơn, đây là “nghi thức” của các “thầy bùa, thầy pháp” mượn danh Chúa Thánh Thần để làm trò ảo thuật, mê hoặc giáo dân dễ tin mà thôi. Thầy Cả chân chính thi hành sứ vụ chữa lành của Chúa Kitô qua bí tích hoà giải và sức dầu bệnh nhân không thể là thầy bùa, thầy pháp như vậy được. Tôi thách đố những thầy này trưng ra được căn bản kinh thánh, tín lý, giáo lý, thần học nào của Giáo Hội chứng minh Chúa Thánh Linh là nguyên nhân gây ra những hiện tượng “té ngã, nói lâm râm, lảm nhảm” không ai hiểu được kể cả “thầy pháp” chủ sự nghi thức này. Nếu nói “tiếng lạ” mà không ai hiểu được, kể cả người nói, thì ích lợi gì cho ai và cho chính bản thân người “được ơn ấy”. Đây là thực tế người ta phải nhìn vào để tự đánh giá công dụng hay lợi ích thiêng liêng của hiện tượng té ngã và “nói tiếng lạ”. Chúa Thánh Thần không bao giờ làm một việc phi lý, vô bổ, vô ích. Ngài là Đấng an ủi dịu dàng, là Thầy dạy khôn ngoan là Thần Chân Lý, là Ánh Sáng soi hết cõi lòng nguời ta, nên đến với ai thì Ngài ban ơn soi sáng, an ủi và sức mạnh thiêng liêng để dẫn đưa con cái vào đường thật nẻo chính chứ không bao giờ lại chỉ làm “trò ảo thuật” nơi một số người tham dự và gây hoang mang, nản lòng cho những ai không được “ơn té ngã, nói lảm nhảm không ai hiểu gì”. Một điều trớ trêu, là giữa các “thầy bùa” này cũng mâu thuẫn, không nhất trí với nhau về phương pháp “chữa lành” của họ. Thầy bên Canada chống các thầy bên Mỹ về cùng phương pháp và mục đích “Thánh Linh chữa lành”.Tại sao vậy? Nếu quả đó là công việc của Chúa Thánh Thần mà các Thầy đó được đặc ân, đặc sủng thi hành thì phương pháp và kết quả phải như nhau mới đúng chứ? Vậy tại sao các thầy lại chống nhau, làm như thể chỉ có mình mới là “Thánh Linh thứ thiệt” còn người khác là “giả hiệu, bịp bợm , sai trái” giáo dân biết theo phe nào đây? III-Chức năng phục vụ và làm gương sáng: Mọi Thầy Cả đều phải noi gương Chúa Kitô, Thầy Cả Chí Thánh, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến đang mạng sống làm giá chuộc muôn người.” ( Mt 20:28). Sự thật thì đại đa số Thầy Cả đã và đang âm thầm chu toàn rất tốt đẹp sứ vụ này và nêu gương sáng cho người khác. Tuy nhiên, thành ngữ ViệtNam có câu: “một con sâu làm rầu nồi canh” nên chỉ cần một số nhỏ các Thầy không phục vụ đúng với tinh thần nói trên của Thầy Cả Thượng Tế Kitô mà phục vụ với cung cách và tinh thần của các thầy cúng, thầy bùa, thầy pháp, nên đã gây phương hại cho sứ vụ chung của hàng giáo sĩ. Đó mới là điều bất đắc dĩ phải nói ra đây một lần cho xong. Liên quan đến việc tế lễ và cử hành các bí tích, mặc dù giáo luật số 945, triệt 1 cho phép linh mục được hưởng bổng lễ (mass stipends) theo mức qui định của Giáo quyền địa phương, nhưng cấm linh mục không được đòi người xin lễ số tiền cao hơn mức giáo quyền địa phương đả ấn định (giáo luật số 952, triệt 1). Nhưng thực tế thì nhiều Thầy Cả cứ lặng lẽ lấy bổng lễ cao hơn mức qui định và còn ngang nhiên từ chối dâng lễ khi thấy số tiền dâng cúng quá ít! Bên ViệtNam đã có Thầy Cả từ chối nhận lễ có 5 đô la bổng lễ! (chứng từ của một Thầy từ Mỹ về thăm VN) Đặc biệt, Có rất nhiều Thầy đã gom cả 20, 30 ý lễ nhận được trong một thánh lễ cuối tuần nhưng không hề nói cho giáo dân biết là mình chỉ được hưởng một bổng lễ mà thôi. Nếu muốn hưởng hết thì phải làm bù lại trong tuần cho đủ ý lễ người ta xin (giáo luật số 948) Nhưng một tuần chỉ có 7 ngày thì làm sao Thầy làm hết, 20, 30 lễ kia, để hưởng trọn số bổng lễ? Vậy các Thầy giải quyết số lễ thặng dư này như thế nào cho hợp với giáo luật số 1385 nói rõ: “Ai trục lợi bất hợp pháp trên các bổng lễ sẽ bị phạt vạ hay hình phạt xứng đáng khác”. Ấy là chưa kể có những Thầy đã “bịp” giáo dân về cái gọi là “lễ đời đời” để lấy 10,000 hay 20,000 dollars của những người không am hiểu giáo lý, tín lý về mục đích xin lễ cầu cho kẻ chết. Thầy cúng thì mới hành nghề vì tiền. Đưa nhiều tiền thì thầy tụng niệm lâu, đưa ít thì cúng vái ít. Không tiền thì không thể mời thầy cúng đến cúng vái gì được. Thầy pháp và thầy bùa cũng vậy. Giá tiền của mỗi dịch vụ họ làm đều khác nhau tùy từng trường hợp “giải bùa, trừ ma tà, hay yểm huyệt v.v” Thầy Cả của Chúa Kitô tuyệt đối không phải là các thầy nói trên. Thánh Công Đồng Vaticanô II , trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, đã dạy các Thầy Cả (Linh mục) như sau: “Linh Mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn. (x.1 Cor 4,15 và 1 P1, 23) (LG. số 28) Phải săn sóc các tín hữu như những người cha trước hết không có nghĩa là “làm cha” họ để được trọng vọng, ăn sung mặc sướng, mà “làm cha” để hết lòng phục vụ cho lợi ích thiêng liêng của họ để giúp họ nhận ra Chúa Kitô qua cung cách và tâm tình phục vụ của mình. Thầy Cả là người gần gũi giáo dân nhất trong mọi sứ vụ tế lễ, thánh hoá, giảng dạy và phục vụ. Thầy chính là miệng, là tai mắt, và chân tay trước hết của Giám Mục mình trực thuộc và trên hết là của Chúa Kitô, Đấng đã gọi và sai đi làm tông đồ. Vì thế, Thầy Cả sẽ đem được nhiều người về với Chúa hay sẽ đẩy nhiều người ra xa Chúa, ra khỏi Giáo Hội chỉ vì cung cách và tâm tình phục vụ giáo dân của các Thầy ở các giáo xứ, cộng đoàn địa phương.. Cụ thể, Thầy Cả mà tham tiền, phục vụ vì tiền thì thì không hơn gì thầy cúng, thầy pháp, thầy bùa. Đây một chuyện có thật điển hình: một đôi hôn phối đến xin kết hôn trong giáo xứ kia. Thầy Cả chánh xứ đòi hỏi phải có đủ giấy tờ cần thiết như giấy chứng rửa tội, thêm sức, rước lễ lần đầu, và học giáo lý hôn phối, sổ gia đình chứng minh thuộc về giáo xứ. Nộp đủ các giấy tờ này rồi mà Thầy Cả vẫn chưa chịu vì còn thiếu “giấy chứng giáo lý cơ bản”???. Đôi trẻ đến hỏi ý kiến một người lớn tuổi trong xứ. Ông này nói ngay: đúng rồi, cậu còn thiếu cái “giấy xanh” nữa nên cha không nhận! Đôi trẻ ngơ ngác không hiểu. Ông cụ bèn nói ngay: cậu bỏ 200 đô vào phong bì xanh rồi đem nạp cho thư ký của cha là xong. Quả nhiên, sau đó cha không đòi thêm giấy gì nữa!! Một Thầy Cả kia còn rắc rối, làm khó giáo dân cách phi lý như sau: khi chứng hôn phối cho cặp vợ chồng này thì Thầy miễn cho giấy rửa tội của chú rể vì lý do rửa tội bên ViệtNam mà nay không xin được giấy chứng.. Thầy chỉ đòi cha mẹ cậu này làm giấy cam đoan con mình đả rửa tội ở VN rồi mà thôi. Nay chúng có đứa con đầu lòng mang đến xin rửa tội. Thầy lại đòi Giấy rửa tội của cha mẹ thì mới rửa tội cho con! Thế là đứa trẻ không được rửa tội! Chưa hết, một vài Thầy chánh xứ khác, khi có người chết, gia đình gọi đến Văn Phòng Giáo Xứ thì thư ký của các Thầy hỏi: có ghi tên nhập xứ không, phong bì đóng góp số mấy. Vì không có nên cha từ chối không làm lễ an táng! Thử hỏi: Những cung cách điển hình trên đây của một số Thầy Cả có giúp giáo dân thêm yêu mến Giáo Hội hay sẽ chán ghét vì giáo sĩ không thiết tha phục vụ đúng thiên chức mà chỉ làm “nghề Thầy Cả” như nghề thày cúng, thầy pháp? Có thể nói một cách không sai lầm là chính các Thầy Cả mới là những nhân chứng hùng hồn nhất cho Chúa Kitô trước mặt người đời nói chung và trước mặt giáo dân nói riêng. Cho nên, Đạo Thánh của Chúa sẽ chỉ được người ta đón nhận, tin và sống nếu các Tông Đồ lớn nhỏ của Chúa là những hình ảnh đích thực của Chúa Kitô “Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có” (2 Cor 8, 9). Tông Đồ mà thích tiền, tham tiền thì sẽ bất cần danh dự, thể diện để đi tìm tiền triền miên bằng mọi phương tiện, kẻ cả làm giấy tờ giả mạo, mượn danh cô nhi khuyết tật hoặc giúp linh mục hưu dưỡng, nhưng tiền thu được mang về bao nhiêu và làm gì không ai biết! Ham tiền sẽ đưa đến làm tay sai cho thế quyền để trục lợi, tranh giành những chức vụ béo bở, lơ là nhiệm vụ mục tử, làm mất niềm tin của tín hữu, và vô hiệu hoá sứ mạng phúc âm hoá thế giới của Giáo Hội. Đó là sự thật đau lòng phải nói ra vì mục đích xây dựng Giáo Hội, cách riêng vì uy tin và sứ vụ của hàng giáo sĩ đang đấn thân phục vụ cho dân Chúa ở khắp nơi, chứ không vì đố kỵ nghen nghét hay tự tôn để chỉ trích cá nhân ai hoặc “vạch áo cho người xem lưng”. Ước mong độc giả bốn phương khoan dung đón nhận và không hiểu lầm thiện chí của người viết.
Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân và việc 'chữa lành' bên ngoài bí tích này
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn Trả lời thắc mắc: Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân và việc 'chữa lành' bên ngoài bí tích này. Hỏi: xin cha giải thích rõ về bí tích xức dầu bệnh nhân và việc “chữa lành” do một số linh mục đang làm. Có cần tham dự các nghi thức “chữa lành” này hay không? Trả lời: Trong 7 Bí tích Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội thì bí tích Xức Dầu bệnh nhân (Anointing of the sick) và bí tích Hoà giải (Reconciliation) được coi là các Bí tích Chữa lành (Sacraments of Healing). Lý do có căn bản giáo lý là khi người ta phạm tội hay bị đau yếu tinh thần hoặc thể xác thì người ó bị thương nhiều hay ít trong tâm hồn hay thể xác. Vì thế, cần được chữa lành về mặt thiêng liêng và cả về mặt thể lý qua hai bí tích nói trên theo giáo lý của Giáo Hội. Trong phạm vị bài trả lời này, tôi chỉ nói về mục đích và hiệu quả của bí tích Xức Dầu mà thôi.
Trước hết, đọc Tin Mừng, chúng ta được biết Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần chữa lành cho các bệnh nhân bị đau yếu, nhất là bị đui mù, què, câm, điếc, phong cùi hoặc bị quỉ ám v.v. Chúa chữa lành cho họ để tỏ lòng thương xót của Người và cũng để chứng tỏ Người là Thiên Chúa có quyền năng trên mọi thế lực của sự dữ và bệnh tật. Thánh Gia Cô Bê Tông đồ cũng dạy rằng: “khi có ai đau yếu thì hãy mời các linh mục của Giáo Hội đến cầu nguyện và sức dầu cho người ấy nhân danh Chúa. Lời cầu xin do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội thì sẽ được Chúa thứ tha…” (Gc 514-15). Đây là căn bản kinh thánh của bí tích xức dầu. Từ đó, Giáo Hội cũng dạy rằng: “Xức dầu bệnh nhân không phải là bí tích chỉ dành cho người sắp chết. Mỗi khi người tín hữu bắt đầu cảm thấy mình ở trong nguy cơ có thể chết vì bệnh hay vì già yếu thì hãy mau mắn lãnh nhận bí tích này.” (SGLCG, số 1514). Qua việc xức dầu thánh, người đau yếu sẽ nhận được ơn sức mạnh, ơn bình an và can đảm của Chúa Thánh Thần để thắng lướt mọi khó khăn phải đương đầu khi đau yếu nặng hoặc vì tuổi già. Ơn đặc biệt này sẽ giúp cho bệnh nhân chống trả những buồn phiền và cám dỗ làm nản lòng trông cậy Chúa khi đau yếu và đối diện với sự chết. Ngoài ra, bí tích xức dầu cũng có thể đem lại sự hồi phục sức khoẻ cho bệnh nhân trong nhiều trường hợp. Vì thế ai bị đau yếu, hoặc trước khi đi giải phẫu, đều có thể xin lãnh bí tích này để xin Chúa chữa lành bệnh tật và nhất là được an ủi và can đảm để chịu khó. Nhưng nên nhớ: bí tích này không chỉ dành cho người sắp chết, nghĩa là thực sự nguy tử, mà dành cho tất cả những ai bị đau yếu thể xác nhiều hay ít hoặc vì tuổi già sức yếu. Bí tích này có thể được lãnh nhận nhiều lần trong đời và chỉ có Giám mục và Linh mục được phép ban mà thôi. Nghi thức của Giáo Hội đòi hỏi người ban phải xức dầu thánh trên trán và hai bàn tay (Nghi thức Roma) của bệnh nhân sau khi đặt tay cầu nguyện cho người đó. Về nghi thức xin ơn Thánh Linh và “chữa lành” do một số linh mục và cả giáo dân (Mỹ) đang làm ở nhiều nơi, thì xin phân biệt : nếu là bí tích xức dầu thì phải được cử hành đúng theo nghi thức của Giáo Hội qui định. Nghiã là phải do Giám mục hay Linh mục cử hành và phải có xức dầu thánh. Ngoài ra, nếu chỉ là buổi cầu nguyện và đặt tay của người chủ sự thì đó không phải là việc cử hành bí tích xức dầu bệnh nhân của Giáo Hội. Vì thế, giáo dân không nhất thiết phải tham gia vì không có lời khuyên hay ngăn cấm chính thức nào của thẩm quyền Giáo Hội về việc tham dự vào “nghi thức” này. Tuy nhiên, nếu linh mục nào cử hành việc “chữa lành” với nghi thức của riêng mình như tổ chức thánh lễ ở tư gia, hoặc ở nhà thờ, nhà nguyện, rồi cho giáo dân cầm bánh lễ và đọc chung lời nguyện với linh mục trong thánh lễ gọi là “chữa lành” thì đây là sáng kiến riêng của vị đó và việc cử hành này vi phạm trầm trọng Nghi thức Thánh lễ (Lễ Qui Rôma) của Giáo Hội như tôi đã một lần giải thích. Giáo dân không nên tham gia vào việc “phụng vụ lố lăng” này và cần thách đố (challenge) linh mục nào làm việc đó về kỷ luật bí tích của Giáo Hội.
Ngoài ra cũng liên hệ đến việc xin ơn Thánh Linh và “đặt tay chữa lành”, không có giáo lý, tín lý, thần học nào của Giáo Hội dạy rằng khi Chúa Thánh Thần đến với ai thì người đó phải lăn đùng, ngã ngửa ra và nói lảm nhảm “tiếng lạ”. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy chân lý và là Đấng ban sự sống. Ngài đến để dạy dỗ chúng ta biết về chân lý của Thiên Chúa và giúp ta thêm tin tuởng và yêu mến Người chứ không làm cho ai phải ngã lăn quay ra,và nói lảm nhảm như người mất trí. Nhưng khi tỉnh lại thì cũng không cảm nhận được điều gì mới lạ, thiêng liêng sâu sắc hơn về Chúa Kitô và giáo lý chân chính của Người. Xưa kia trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Pentecost), Chúa Thánh Thần hiện xuống và ban cho các Tông Đồ sức mạnh, ơn khôn ngoan, can đảm vàđặc biệt ơn nói tiếng lạ. Nhưng tiếng lạ ở đây là tiếng của nhiều dân tộc khác nói mà trước đó các Tông Đồ không biết. Nay nhờ ơn của Chúa Thánh Thần, các ông bỗng dưng nói và các dân kia hiều được và đi theo để nghe giảng dạy (x. Cv 2:1-12). Như thế “tiếng lạ” không có nghiã là nói lảm nhảm mà không ai hiểu gì cả. Do đó, ai tham dự việc cầu nguyện Thánh Linh và “chữa lành” này cần lưu ý: · Được té ngã hay không thì chắc chắn không phải là dấu chỉ đức tin về ơn thiêng của Chúa Thánh Thần ban cho ai. Nếu sau khi cầu nguyện và được ai “đặt tay” cho mà không té nhào và nói râm ri, nhưng cảm thấy được thêm bình an và soi sáng trong tâm hồn về một đường hướng thiêng liêng chắc chắn nào thì đó có thể được coi là ơn của Chúa Thánh Thần. · Ngược lại, được té ngã và nói lảm nhảm, nhưng sau đó không cảm nhận được chuyển biến nào mới lạ trong tâm hồn để thêm tin và yêu mến Chúa hơn, cũng như biết đường lối của Chúa hơn, thì không có gì bảo đảm rằng người đó đã được ơn của Chúa Thánh Thần; dù cho được té ngã trong một buổi cầu nguyện nào đó. Chắc chắn như vậy. · Tóm lại, ta cần nhớ và suy nghĩ lời Chúa Giêsu nói về dân Do Thái xưa như sau: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.” (Mt 16:4)
Phong Trào Thánh Linh và hiện tượng chữa lành té ngã§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn HuấnTrước đây tôi đã viết một vài bài về Phong Trào Thánh Linh và việc chữa lành với hiện tượng té ngã và nói ú ớ của một số người tham dự. Sau loạt bài này, một vài độc giả đã hiểu lầm cho là tôi nói xấu Phong Trào Thánh Linh và Canh Tân Đặc Sủng nên đã gửi cho tôi những tài liệu hoặc bài viết của một số Hồng Y, Giám mục kể cả Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã khen ngợi hay khuyến khích các Phong trào trên. Đây mới chính là sự hiểu lầm- hay không hiểu đúng- của các độc giả nói trên về nội dung các bài viết của tôi. Vì thế, tôi thấy cần phải nói lại một lần nữa những gì tôi đã viết về vần đề “chữa lành, té ngã” và Phong Thào Thánh Linh để độc giả khắp nơi được rõ thêm một lần nữa. I. Phong Trào Thánh Linh và Canh Tân Đặc Sủng (Spiritual Renewal Movement).Đây là một Phong Trào có chủ đích rất tốt đã được Giáo quyền khuyến khích và khen ngượi. Đáng khuyến khích và ca ngợi vì Phong Trào đặt nặng việc cầu xin ơn Thánh Linh để canh tân không những đời sống cá nhân, đời sống cộng đoàn và mà cả đời sống của Giáo Hội nói chung nữa. Một mục đích tốt lành như thế thì ai dám hoài nghi hay phê phán được? Nếu chúng ta đọc kỹ lịch sử Giáo Hội thì sẽ nhận rõ điều này: nếu không tin có Chúa Thánh Thần hoạt động âm thầm nhưng rất tích cực trong Giáo Hội thì Giáo Hội không thể có được bộ mặt thiêng liêng tốt đẹp như ngày nay. Đã có biết bao giai đoạn đen tối trong lịch sử Giáo Hội trong đó con thuyền của Thánh Phêrô đã nhiều phen bị chao đảo gần như đắm chìm xuống đáy đại dương vì những đợt sóng ngầm của tục hoá (secularism), của tham vọng quyền thế (kể cả tranh giành quyền thế trong nội bộ), vì lẫn lộn đạo với đời, vì những lầm lỗi của lãnh đạo thiếu khôn ngoan, thiếu sáng suốt, cũng như trước thách đố của bao tà thuyết nghịch đức tin Kitô giáo. Chính vì vậy mà trong năm 2000, Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã hạ mình xin lỗi những ai mà Giáo Hội đã xúc phạm hay làm thiệt hại trong quá khứ. Tình trạng chia năm sẻ bảy trong Giáo Hội cho đến giờ này một phần cũng vì những lầm lỗi của Giáo Hội trong quá khứ. Nói thế không phải là “vạch áo cho người xem lưng” hay phủ nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Nhưng phải nói ngược lại là chính những lầm lỗi đó của Giáo Hội đã chứng minh hùng hồn sự hiện diện và ơn thánh hóa lạ lùng của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Giáo Hội là “nơi Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô... được thành lập trong thời cuối cùng và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống” (Lumen Gentium no. 2). Giáo Hội làThánh vì Chúa Kitô là Đầu. Nhưng những chi thể của Giáo Hội thì chưa là thánh, vì là những con người đầy yếu đuối, tội lỗi và bất xứng nhưng lại được chọn và sai đi . Chính vì bản chất yếu đuối cộng thêm ý chí tự do (freewill) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng, nên đã giúp giải thích lý do vì sao đã xảy ra những giai đoạn thăng trầm, những lầm lỗi của Giáo Hội trong quá khứ. Song chính vì có sự hiện diện và trợ giúp vô cùng hữu hiệu của Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội đã được vực dậy khỏi những “yếu đuối con người” để đạt đến tình trạng hoàn hảo hơn như ngày nay. Hoàn hảo hơn là so sánh với quá khứ, chứ chưa phải là đã trọn hảo về mọi phương diện và trong mọi thành phần lớn nhỏ của Giáo Hội. Tinh thần và gương sống khó nghèo của Chúa KItô vẫn bị chế nhạo bởi một số không nhỏ những tông đồ đang mê tiền của, vẫn chậy đôn đáo khắp nơi để kiếm đôla, bất kể liêm sỉ, chê cười. Thêm vào đó, lòng ham chuộng công danh, chức quyền, địa vị, lẫn lộn đạo với đời, làm tay sai cho thế quyền để trục lợi cá nhân, sao lãng việc bổn phận và nêu gương xấu... vẫn đang là những khối u (tumors) nguy hiểm trong cơ thể của Giáo Hội địa phương cần được giải phẫu và cứu chữa kịp thời, nếu không muốn trở thành ung thư, nguy tử. Vì thế, nhu cầu canh tân và thánh hoá vẫn luôn luôn là đòi hỏi cấp bách không ngừng của Giáo Hội cho chính bản thân mình và cho con cái đang hiệp thông ở khắp mọi nơi. Nói đến canh tân là nói đến ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần, vì chỉ có Ngài mới có thể tạo ra những đổi mới, những chuyển biến sâu xa từ nội tâm con người mà thôi. Chỉ cần đọc lại Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả ngày Chúa Hiện Xuống thì ta sẽ thấy những “sự lạ lùng” Người đã làm nơi các Tông Đồ của Chúa Giêsu đang khiếp sợ đóng kín cửa nhà, không dám ra ngoài rao giảng Tin Mừng như Chúa đã truyền cho các ông trước ngày Ngài về Trời. Nhưng từ những người nhút nhát, u tối, các ông đã trở thành những người dũng mạnh, thông suốt, vì “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2:4). Họ đã tung cửa chậy ra ngoài đường phố, hùng hồn “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” cho dân chúng bằng những ngôn ngữ mà ai nghe cũng hiểu. Họ nói hăng say đến nỗi có những người đã chế nhạo rằng “mấy ông này say rượu rồi” (CV 2:13). Đó là những sự lạ Chúa Thánh Thần đã làm nơi các Tông Đồ của Chúa Kitô trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. II. Phong Trào Thánh Linh chữa lành với hiện tượng té ngã, ngất sỉu, và nói ú ớ.Từ lâu, trong và ngoài Việt Nam, đặc biệt ở một số Cộng Đoàn Việt Nam ở Mỹ hiện nay, đã có một số linh mục thực hành việc “chữa lành” trong những buổi cầu xin ơn Thánh Linh. Cầu xin ơn Chúa Thánh Thần thì đó là việc quá tốt, rất đáng khuyến khích, không ai có thể phê phán gì được. Ngược lại, phải cổ võ cho nhiều người siêng năng chậy đến với Chúa Thánh Thần để được soi sáng, thêm sức mạnh hầu biết sống đức tin, đức cậy và đức mến cách chính xác, sâu sắc và đẹp lòng Chúa hơn. Tuy nhiên, cầu xin rồi làm trò “ảo thuật” như lấy tay dí mạnh vào trán của những người đang đứng nhắm mắt giơ hai tay lên cao để cho họ té ngã ra sau (có nhân chứng đã tham dự kể lại) thì chắc chắn không phải là nghi thức “chữa lành” hay sức dầu (anointing) nào của Giáo Hội. Và hiện tượng té ngã và nói lảm nhảm, ú ớ của một số tham dự viên thì chắc chắn cũng không phải là dấu chỉ Chúa Thánh Thần đã đến thăm viếng ai trong những buổi chữa lành đó. Chắc chắn như vậy! Tôi thách đồ ai trưng ra được căn bản giáo lý, tín lý hay Kinh Thánh nào chứng minh những hiện tượng trên là do Chúa Thánh Linh gây ra. Chỉ có bằng chứng Kinh Thánh Trong Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy là trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu xuống trên từng Tông Đồ đang tụ họp cầu nguyện trong nhà và “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,4) nhưng không một ai bị té ngã, ngất sỉu và miệng lâm râm nói ú ớ những gì không ai hiểu được. Ngược lại, họ được ban cho ơn ngôn ngữ đặc biệt để “bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Sđd, 2,4) Các tiếng khác ở đây là các ngôn ngữ của các sắc dân “Pác-thi-a, Mê-đi-a, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mia, Giuđê, Ca-pa-đô-kia, Pon-tô và A-xi-a, Phy-gi-a, Pam-phy-li-a, Ai Cập, Rôma... Thế mà các Tông đồ bỗng nhiên nói được các ngôn ngữ này khiến họ sửng sốt, thán phục hỏi nhau: “những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Sdd, 2, 7-8) Đó là “ơn nói tiếng lạ” mà Chúa Thánh thần đã ban cho các Tông Đồ khi Ngài hiện xuống trên họ xưa kia. Tuyệt đối, không một ai đã bị xô ngã và nói lảm nhảm những gì không ai hiểu được như một số người té ngã và tin là “đã được ơn Thánh Linh trong những buổi cầu nguyện chữa lành” kia. Nhưng nếu té ngã, ngất đi ít phút, nói lảm nhảm, rồi khi tỉnh dậy cảm nhận được điều gì mới lạ, nhận ra được hướng đi mới trong đời sống thiêng liêng của mình thì có thể coi đây là ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Ngược lại, nếu không cảm nhận được điều gì hết mà chỉ có té ngã do tác động tâm sinh lý nào đó gây ra, thì có ích lợi gì về mặt thiêng liêng, hay tâm linh? Chắc chắn Chúa Thánh Thần không bao giờ làm những việc vô lý, vô bổ cho ai. Cũng không bao giờ làm trò ảo thuật, xô ngã người này, không làm ngã người kia khiến họ thất vọng hoang mang ra về. Thực tế là không phải tất cả những ai tham dự “chữa lành” đều được té ngã và “nói tiếng lạ” (nói ú ớ không ai hiểu). Những người được té ngã thì tự cho là được ơn Thánh Linh, còn những người không ngã thì thất vọng vì nghĩ là không được ơn và không tin nữa. Đây là thực trạng của những ai đã và đang tham dự những buổi “cầu nguyện chữa lành” kia. Cũng cần nói thêm là trên một vài kênh truyền hình Mỹ, cũng có những màn trình diễn “chữa lành” của một số “ảo thuật” truyền bá phúc âm (TV Evangelists). Họ sắp xếp cho vài người ngồi xe lăn trên sân khấu. Rồi “ảo thuật gia” chạy đến nói với họ : anh hãy nói to lên rằng 'tôi tin Chúa Giêsu là Cứu Chúa và tôi được chữa lành' (I believe in Jesus, my Savior and I am healed). Rồi ảo thuầt kia cầm tay kéo anh “tàng tật” ngồi xe lăn đứng lên, anh này đứng dậy và nhẩy tưng tưng, miệng la lên “I am healed! (Tôi được lành rồi) Allleluia! Alleluia!” Đây là trò ảo thuật rẻ tiền của một số tay thuyết giảng kinh thánh trên truyền hình và chắc chắn không lừa dối được ai. Là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta cần lưu ý điều quan trọng này: chữa lành (healing) cũng nằm trong Sứ Vụ (Ministry) rao giảng của Chúa Giêsu xưa kia. Kinh Thánh Tân Ước kể lại biết bao lần Chúa đã chữa cho người câm, người điếc, đui mù, què được lành, kể cả cho kẻ chết được sống lại. Nhưng chắc chắn đây không phải là mục đích chính của Chúa khi đến trong trần gian này. Chúa đến không phải để tiêu diệt sự đau khổ, mà ngược lại, đã dùng chính sự đau khổ để cứu con người khỏi chết và đau khổ đời đời qua khổ nạn thập giá của Ngài. Như thế, đau khổ tinh thần và thể xác có giá trị cứu rỗi trong Chương Trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa thực hiện nhờ Chúa Kitô. Chúa Giêsu có chữa lành cho nhiều người, vì Ngài muốn tỏ uy quyền của mình là Thiên Chúa và cũng để tỏ lòng thương xót, thông cảm đối với những nạn nhân của bệnh tật, tai ương và nghèo đói để mời gọi chúng ta tiếp tay với Ngài thương giúp những anh chị em đồng loại xấu số, bệnh tật, nghèo đói ở khắp nơi trong xã hội ngày nay (x. Mt 25: dụ ngôn ngày phán sét chung). Khi gặp gian nan, khốn khó, nhất là bệnh tật, tai ương thì chúng ta phải chạy đến cùng Chúa để xin cứu giúp ủi an. Điều này rất đẹp lòng Chúa vì nó nói lên sự trông cậy, tín thác của chúng ta nơi lòng thương xót vô biên của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta phải sẵn lòng và vui lòng đón nhận thánh Ý Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn này. Nghĩa là không nên bắt buộc Chúa phải làm phép lạ để đáp ứng ngay những đòi hỏi hay nhu cầu của mình mà phải phó thác cho sự khôn ngoan và lòng thương xót của Chúa, để tuỳ Người định liệu phần tốt cho ta. Do đó, khi cầu xin ơn Thánh Linh thì phải tha thiết và thành tâm xin Chúa Ngôi Ba soi dẫn và giúp chúng ta luôn bước đi theo Chúa Kitô là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14:6) cũng như được an tâm vững mạnh trước mọi khó khăn thách đố. Cầu nguyện với tâm tình này thì chắc chắc Chúa Thánh Thần sẽ không thể từ chối lắng nghe và ban nhiều ơn sủng của Ngài để giúp ta sống đức tin vững mạnh hơn. Hoa trái hay kết qủa của việc cầu xin này thì chắc chắn phải là bình an và phấn khởi trong tâm hồn chứ không thể chỉ là té ngã, ngất sỉu rồi nói lảm nhảm những gì chính mình và người khác không hiểu được. Những hiện tượng này, dù có xảy ra cho một số người tham dự các buổi “Thánh linh chữa lành” kia, nhưng chắc đã do một tác động tâm sinh lý nào nào đó mà người chủ sự đã khéo léo gây ra được, chứ chắc chắn Chúa Thánh Thần không làm việc này vì vô lý và vô nghĩa như đã nói ở trên. Tóm lại, tôi hoàn toàn không tin hiện tượng “té ngã, nói ú ớ” là dấu chỉ của Chúa Thánh thần ban cho những người tham dự những buổi cầu xin Thánh Linh chữa lành do một số linh mục đang cổ võ và thực hành ở nhiều nơi hiện nay, nhằm mê hoặc những người dễ tin, muốn tìm gặp Chúa bằng dấu lạ giả tạo bề ngoài.
ĐẶC SỦNG VỀ ƠN LẠ. CỨU CÁNH KHÔNG BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN. Lm. Giuse Trần Việt Hùng, Bronx, New York
Chúng ta biết nguyên tắc luân lý trong lời
giáo huấn của Giáo Hội: Cứu cánh không
biện minh cho phương tiện. Có nghĩa là
không thể lấy phương tiện xấu để đạt mục đích tốt. Không thể đi ăn cắp tiền của
người giầu mà cho người nghèo. Cũng không nên nói rằng đi đánh bài và cá độ để
có tiền dâng cúng cho nhà thờ. Bởi vậy mọi phương tiện không chính đáng, không
thể đưa đến hậu qủa tốt được. Có khi chúng ta được một mà lại mất mười. Đôi khi
còn mất cả chì lẫn chài. CANH TÂN ĐẶC SỦNG - ĐẶT TAY VÀ SỰ TÉ NGÃ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng Hiện Tượng Té Ngã của Linh Mục Richard Bain
Vừa rồi tôi có nhận được một lá thư của một phụ nữ hỏi về hiện tượng mà đôi khi người ta gọi là “nghỉ yên trong Thánh Linh,” hoặc gọi khác “tiêu biến trong Thánh Thần” trong khi nên gọi là “hiện tượng té ngã” mới đúng, tại sao lại không xảy ra khi tôi cầu nguyện với những người khác trong Thánh Lễ Chữa Lành. Đây là hiện tượng té ngã (thường là ngã ngửa) và hay xảy nơi một người đang được người khác cầu nguyện cho trong một buổi cầu nguyện chữa bệnh. Qua theo dõi, người ta cho rằng người đó té ngã hoặc xỉu là do Chúa Thánh Thần tác động đến. Quả thế, trong một thời gian khá lâu tôi vẫn nghĩ như vậy, cho đến khi tôi tìm đọc về chủ đề này, và với việc thử nghiệm, tôi đã khám phá rằng hiện tượng nói trên thường là biểu hiện tâm lý hơn là thiêng liêng. Trong nhiều năm, hiện tượng té ngã vẫn xảy ra khi tôi cầu nguyện chữa lành với người khác. Tôi đã tưởng rằng tôi được một đặc sủng. Có cũng phải ít nhất là chín mươi phần trăm số người mà tôi cầu nguyện cho đã ngã nhào ra đất. Một số người còn đổ nhào trước cả khi tôi chạm đến họ hoặc trước khi họ biết tôi cũng có mặt ở đó. Có người tôi chỉ bước gần đến cũng đã ngã nhào ra, người khác thì đổ xuống khi tôi đọc Tin Mừng, và số khác cũng đổ nhào khi tôi vảy nước thánh trên họ. Có một người đàn ông còn đổ nhào khi tôi cầu nguyện trước tấm ảnh của ông ta. Khi ấy anh ta đang nói chuyện với ông chủ thì tự nhiên ngã ra, dù lúc đó cách tôi đến ba mươi lăm dặm. Người ta đưa anh ta đến nhà thương nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên cớ tại sao anh ta ngã xỉu. Tối đó anh ta đã kể lại sự việc cho mẹ anh. Bà mẹ hỏi lại anh ta ngã xỉu vào lúc mấy giờ, và đó chính là lúc tôi đứng trước ảnh của anh ta và cầu nguyện cho anh. Cũng có khi đang cầu nguyện chính tôi cũng bị ngã. Tôi có thể kiểm soát được sung lực để không bị ngã nếu muốn, nhưng thường tôi cứ để tự nhiên. Khi nằm dài trên nền nhà, tôi cảm nghiệm được sự thư giãn tột độ và lời cầu nguyện chìm sâu trong thần bí nhất chưa từng có. Rất thường, tôi có thể nói rằng ‘hiện tượng té ngã’ đưa tôi vào tình trạng chiêm niệm sâu lắng hơn trong một vài phút, giá trị hơn là hai ba giờ cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Tôi cảm thấy rằng việc chuẩn bị tư tưởng cho những người lần đầu tiên tham dự vào Thánh lễ chữa lành là điều rất quan trọng, là báo cho họ biết rằng sẽ có ‘hiện tượng té ngã’ và tại sao lại có hiện tượng này. Tôi biết nếu ai chưa từng thấy bao giờ sẽ rất kinh sợ, và việc giải thích sẽ giúp họ giảm bớt lo sợ. Cũng thế, tôi hiểu rằng có một số người coi ‘hiện tượng té ngã’ là điều kỳ quái, và tôi cần phải giải thích hiện tượng đó với chúng tôi là điều rất bình thường, có những lợi ích thiêng liêng kỳ diệu và việc cố gắng tham dự bằng thiện chí là một nỗ lực đáng được tưởng thưởng. Tôi cho những ai thiếu hiểu biết thì mới chỉ trích hiện tượng té ngã nói trên. Thái độ rất tích cực về ‘hiện tượng té ngã’ của tôi bắt đầu chuyển hướng, khi tôi có trong tay bản thảo một cuốn sách một tôi cho là của Cha Theodore Dobson. Tôi vẫn nhớ như in, Cha Theodore Dobson khẳng định rằng ‘hiện tượng té ngã’ gần như hoàn toàn là một hiện tượng tâm lý, bị trí khôn của chính đương sự xui khiến, nhưng do thực hiện ngay trong buổi cầu nguyện chữa bệnh nên cứ như nó là một hiện tượng thuần túy thiêng liêng, phát xuất từ Thiên Chúa. Cha cho rằng cần phải loại bỏ hiện tượng nói trên ra khỏi các buổi cầu nguyện chung. Cha Dobson cho biết, khi cộng đoàn được cho biết là sẽ có hiện tượng té ngã xảy ra, hoặc nếu có ông từ bà quản nào đứng ngay sau người lãnh phép lành, hoặc đúng lúc có một người té ngã, hoặc nếu có ai đó lên lãnh phép lành nhưng không muốn té ngã, hoặc nếu vị chúc lành muốn rằng hiện tượng sẽ xảy ra, khi đó một môi trường tâm lý sẽ được tạo ra và dẫn đến hiện tượng té ngã. Sau này, Đức Hồng Y Joseph Suenens trong cuốn the sixth Malines Document, "Resting in the Spirit", của nhà xuất bản Veritas, đã đưa ra một nhận định sắc bén về sự sai lầm khi để cho ‘hiện tượng té ngã’ xảy ra trong các buổi thờ phượng công. Đức Hồng Y Suenens là người rất có uy tín trên thế giới về những vấn đề này. Nếu không có uy tín của vị Hồng Y rất đáng kính này thì cũng không có công cuộc Canh Tân Đoàn Sủng chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Ngài đã thuyết phục Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vào năm 1975, phê chuẩn cho công cuộc Canh Tân Đoàn Sủng. Với uy tín bảo đảm của Đức Thánh Cha, công cuộc Canh Tân Đoàn Sủng đã đưa ra những chuẩn mực và nhận định đáng tin về thần học (xem Memories & Hopes, Joseph Cardinal Suenens, Veritas, các trang 270 & 276). Các tài liệu Malines Document là thành quả của lời hứa trên. Trong cuốn thứ sáu của tài liệu Malines Document, Đức Hồng Y Suenens chỉ cho thấy có nhiều yếu tố tâm lý trong ‘hiện tượng té ngã’ giống như ý kiến của Cha Dobson, và ngài còn thêm rằng những trưng dẫn Thánh Kinh và thần bí chủ đạo không đủ nói lên rằng ‘hiện tượng té ngã’ thuộc về truyền thống lâu đời của Kitô Giáo. Ngài viết rằng việc loại bỏ bất cứ hiện tượng nào như kiểu hiện tượng vừa kể khỏi các buổi cử hành phụng vụ là điều phải đặc biệt lưu tâm, và ngài còn viết rằng đường lối duy-bất can thiệp sẽ bế tắc nếu cứ để cho người tín hữu tự do nhận mình có quyền hướng dẫn đường thiêng liêng. Đồng ý với các Giám Mục Ailen, ngài kết luận rằng chúng ta không được mời các thừa tác viên nào mà việc cầu nguyện hay giáo huấn của họ có đi kèm với hiện tượng kiểu trên. Điều cuối cùng khuất phục được tôi là thử đưa ‘hiện tượng té ngã’ ra ngoài Thánh lễ chữa lành, khi tôi biết rằng David du Plessis (đại diện của Các Giáo Hội Ngũ Tuần tại Công Đồng Vatican II) tha thiết xin người Công Giáo hãy tránh những sai lầm mà người thuộc Các Giáo Hội Ngũ Tuần mắc phải trong quá khứ, và đừng giới thiệu ‘hiện tượng té ngã’ cho ai, chỉ tổ ân hận chứ chẳng ích lợi gì. Cùng thời gian đó, vào tháng 8 năm 1988, tôi trù tính giúp ba ngày chữa lành tại một giáo xứ ở Savannah, Bang Georgia. Đây sẽ là thời điểm và nơi chốn rất tốt để thí nghiệm, vì ở đó không ai biết tôi và đặc biệt nếu có ai đến dự thì họ cũng chưa bao giờ biết ‘hiện tượng té ngã’. Tôi đã cố gắng loại trừ mọi yếu tố mà Cha Dobson cho rằng chúng sẽ tạo ra một môi trường tâm lý dẫn đến việc xảy ra hiện tượng té ngã. Cả ba buổi tối nhà thờ đều chật cứng người. Trên 1.200 người nhận được chúc lành, nhưng không một ai đổ nhào cả. Như vậy cho thấy rằng Cha Dobson, Đức Hồng Y Suenens, giáo sư Heribert Muhlen, Cha Yves Congar, O.P., và các tác giả khác đã có lý. Tôi trở lại San Francisco và ý thức rằng cần phải loại bỏ ‘hiện tượng té ngã’ ra khỏi công tác mục vụ của mình. Tôi không nói đến chuyện “nghỉ yên trong Thánh Linh” trước khi ban phép lành nữa, và yêu cầu người ta quì nhận phép lành thay vì vẫn đứng khi nhận phép lành, và ngưng ban phép lành ngay khi có bất kỳ ai hơi có biểu hiệu động đậy nào. Điều này đã loại bỏ hầu hết hiện tượng té ngã, nhưng cũng không thể nào bỏ đi hoàn toàn được cho đến khi có một Thánh Lễ vào tháng 8 năm 1998. Trong Thánh Lễ đó không có ai phụ việc, có nghĩa là cũng không có ông trùm bà quản nào. Tôi yêu cầu cộng đoàn phải ra đứng xếp thành từng hàng để nhận phép lành, và nói thêm rằng ai biết tôi định làm gì thì phải loại trừ ngay ý nghĩ đó. Không ai trong số những người hôm đó nhận được phép lành mà té ngã, và từ đó trở đi không ai té ngã nữa. Thoạt đầu, số người tham dự Thánh Lễ chữa lành giảm xuống. Những người dự Thánh Lễ để nhận phép lành chữa bệnh đã khẩn khoản xin tôi tiếp tục nói lại “hiện tượng té ngã” trong các Thánh Lễ. Nếu không có ai tham dự Thánh Lễ thì không tốt quá, vì tôi sẽ không phải làm lại công việc chúc lành mà tôi đã xác tín rằng đấy chỉ là hiện tượng tâm lý, còn hơn là tiếp tục thực hiện việc chúc lành khiến tôi tiếp tục lừa người khác và bán rẻ danh dự. Nhưng chẳng bao lâu sau đó số người tham dự lại tăng lên, quả đúng là nhiều hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, kết quả tuyệt vời nhất từ sau khi loại trừ hiện tượng té ngã thì các Thánh Lễ mang đậm tinh thần cầu nguyện hơn. Không còn những người cuồng dại hoặc những người té ngã nữa, và họ còn lo sợ dò xét coi có linh mục nào làm cho họ đổ nhào xuống nền nhà nữa không. Đúng thế, tôi xác tín rằng “hiện tượng té ngã” đôi khi có thể là hoạt động của Thánh Linh, nhưng rất thường thì không phải. Do đó, chúng ta nên thi hành công tác mục vụ một cách thận trọng và nên luôn ngăn cản đừng để cho hiện tượng té ngã xảy ra nữa. Sau cùng, Giáo Hội Công Giáo với truyền thống lâu đời trong việc nỗ lực một cách sáng suốt, cẩn trọng và kiên trì bảo vệ các tín hữu không bị đánh lừa và ảo tưởng. Và đây là ý tưởng sau cùng của tôi: Chúng ta xem nhiều năm trên truyền hình hai vị thánh sống trong thời đại của chúng ta, đã chạm đến và chúc lành cho hằng ngàn ngàn người, nhưng chẳng thấy ai té đổ khi các vị ấy cầu nguyện cho họ cả. |
Sống Lời Chúa >